- Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do vi-rút dengue gây ra. Bệnh được chia thành 2 thể. Thể bệnh nhẹ: thường gọi là thể sốt dengue, chủ yếu bị ở người lớn, ít khi dẫn đến tử vong. Thể bệnh nặng: thường gọi là thể sốt xuất huyết dengue, chủ yếu bị ở trẻ em với tỷ lệ tử vong khá cao (30 – 40%). Ở thể bệnh nặng, thường xuất hiện dấu hiệu như có chấm xuất huyết ngoài da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, ói ra máu, đi cầu phân đen… Thể bệnh nhẹ có thể điều trị tại nhà hoặc nhập viện, tùy trường hợp. Nhưng thể bệnh nặng bắt buộc nhập viện.
-
- Giai đoạn nào cần nhập viện?
Bên cạnh việc phân chia theo thể bệnh, căn cứ vào các triệu chứng và biến chứng, ngành y còn phân chia bệnh sốt xuất huyết làm 4 cấp từ nhẹ tới nặng. Ở cấp 1, người bệnh chỉ sốt, chưa có triệu chứng xuất huyết. Cấp 2, người bệnh sốt có triệu chứng xuất huyết. Ở cấp 3, người bệnh bắt đầu có dấu hiệu sốc và cấp 4 thì đã bị sốc nặng. Người bệnh sốt xuất huyết cấp 1 sẽ được điều trị tại nhà theo đơn, có hẹn ngày tái khám. Với cấp 2, tùy trường hợp, có thể điều trị tại nhà có theo dõi chặt chẽ, hoặc nhập viện nếu xét thấy cần thiết. Những trường hợp cấp 3 và 4 nhất thiết phải nhập viện ngay.
- Theo dõi dấu hiệu tiền sốc
Sốc là biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh sốt xuất huyết, với 3 tình trạng suy giảm của cơ thể: giảm tri giác (người bệnh lừ đừ, có khi mê sảng), giảm nhiệt độ và giảm huyết áp. Sốc rất dễ dẫn đến tử vong. Vì thế, ngay khi nghi ngờ người thân – nhất là trẻ em – bị sốt xuất huyết, hoặc đã có kết luận sốt xuất huyết, thì cho dù được chỉ định điều trị tại nhà, bạn vẫn cần theo dõi sát sao để phát hiện các dấu hiệu tiền sốc. Khi phát hiện trẻ ở giai đoạn tiền sốc, ví dụ bắt đầu vừa chớm lừ đừ, nhiệt độ giảm, tay chân mát đi thì bắt buộc phải nhập viện.
- Làm gì khi điều trị tại nhà?
Khá nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết phát hiện sớm vẫn được cho điều trị tại nhà. Nếu rơi vào trường hợp này, bạn cần cho người bệnh nằm nghỉ ngơi tuyệt đối, uống nước đầy đủ, ăn các chất dễ tiêu, thực hiện đúng đơn thuốc của bác sĩ và theo dõi chặt chẽ sự tiến triển của bệnh. Lưu ý rằng nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết giai đoạn đầu vẫn có vẻ tỉnh táo, khỏe mạnh. Nhưng không được vì thế mà chủ quan. Nếu có bất cứ dấu hiệu nặng lên nào, cần phải sẵn sàng trong tư thế đưa người bệnh đến bệnh viện ngay.