TUYÊN TRUYỀN PHÒNG BỆNH QUAI BỊ
Quai bị là bệnh nhiễm trùng của các tuyến nước bọt. Đây là bệnh truyền nhiễm do vius gây ra. Bệnh lây chủ yếu qua đường hô hấp và ăn chung, uống chung, dùng chung đồ với người bệnh, qua những giọt nước bọt khi bệnh nhân nói, ho, hắt hơi.
Bệnh thường xuất hiện từ tháng 10 kéo dài đến tháng sáu năm sau và cao điểm từ tháng 12 đến tháng 3 – 4. Tuổi mắc bệnh thường là tuổi bắt đầu đi học (sau 3 -5 tuổi) khi trẻ tiếp xúc với môi trường nhà trẻ, mẫu giáo, tiểu học.
* Triệu chứng của bệnh
Thời kỳ ủ bệnh: Thông thường sau khi tiếp xúc với người bệnh từ 6 – 9 ngày trẻ sẽ có biểu hiện của bệnh. Tuy nhiên có trường hợp kéo dài đến hai tuần.
Bệnh quai bị thường rất dễ nhận biết với triệu chứng sưng đau vùng mang tai, là do viêm sưng tuyến nước bọt vùng mang tai.
Trước khi sưng 1 – 2 ngày, một số trẻ có cảm giác đau, khó nhai. Vùng mang tai có thể bị sưng cùng lúc hai bên và xuất hiện rất nhanh, đêm hôm trước bình thường nhưng hôm sau đã sưng to cả hai bên. Hay có thể sưng một bên, sau đó vài ngày sưng sang bên kia. Bên cạnh triệu chứng sưng vùng mang tai, trẻ có thể kèm theo sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, buồn nôn.
Đa số các trường hợp thường sốt nhẹ và chỉ kéo dài một đến hai ngày. Triệu chứng của bệnh sẽ tự lui dần sau 5 – 7 ngày nếu không có biến chứng. Vùng mang tai sẽ giảm sưng dần, trẻ ăn uống dễ hơn và hồi phục hoàn toàn sau 7 -10 ngày.
Sau khi tiếp xúc với virus quai bị khoảng 6- 9 ngày, người bệnh có cảm giác khó chịu, ăn kém, sốt, đôi khi rét, đau họng và đau góc hàm.
Tuyến mang tai sưng to dần trong khoảng ba ngày rồi giảm sưng dần trong khoảng một tuần. Tuyến mang tai có thể sưng một bên hay hai bên. Rồi thường lan đến má, hàm.
Có cảm giác đau ở nơi bị sưng nhưng da trên vùng sưng không nóng và không sung huyết, ngược với những trường hợp viêm tuyến mang tai do vi khuẩn.
Cảm giác khó thở, khó giao tiếp, khó ăn uống. Bệnh biểu hiện trong khoảng 10 ngày. Bệnh quai bị gây miễn dịch bền vững nên ít khi bị quai bị lần hai.
* Cách phòng bệnh quai bị:
Người bệnh phải nghỉ ngơi ở nhà, không đi làm, không đi học. Thời gian cách ly người bệnh trong khoảng10 ngày kể từ khi bắt đầu sưng tuyến mang tai. Hạn chế tiếp xúc với người bệnh, khi tiếp xúc phải mang khẩu trang.
Vệ sinh cá nhân và nhà cửa:
+ Không sử dụng chung các dụng cụ ăn uống (muỗng, nĩa, ly, chén, dĩa v.v…)
+ Thường xuyên lau sạch sàn nhà, bàn ghế, rửa sạch các đồ chơi của trẻ.
+ Rửa tay nhiều lần bằng xà phòng trong ngày, nhất là sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn.
+ Che miệng khi ho, khi hắt hơi, sau đó phải rửa tay ngay bằng xà phòng.
+ Thực hiện tiêm phòng vắc xin để phòng bệnh chủ động.
Hiện nay bệnh quai bị chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, vắc xin phòng bệnh quai bị thường kết hợp với phòng sởi và rubella
- Trẻ em từ 9 tháng – 12 thángtuổi: tiêm 3 lần
+ Lần 1: lúc 9 tháng tuổi
+ Lần 2: sau lần 1 sáu tháng
+ Lần 3: từ 4-12 tuổi
- Trẻ em từ 1 – 5 tuổi: tiêm 2 lần
+ Lần 1: lúc 12 tháng tuổi
+ Lần 2: từ 4-12 tuổi