Tẩy giun cho trẻ
Trẻ em rất dễ bị nhiễm giun. Ước tính, hơn 40% trẻ em Việt Nam bị nhiễm giun mà chủ yếu là giun đũa, giun kim, giun móc, giun tóc. Ta biết, trẻ nhỏ rất hiếu động, thích khám phá mọi thứ xung quanh mình, thường hay chơi đùa, đi chân đất, bò lê trên sàn nhà, lại hay mút tay, nhặt thức ăn rơi vãi dưới đất. Tất cả những điều này đã tạo một cơ hội vô cùng thuận lợi cho các loại giun xâm nhập vào cơ thể của trẻ
Khi đã vào được cơ thể trẻ, giun sẽ tranh giành những chất dinh dưỡng của trẻ, lâu dần làm cho trẻ xanh xao, chậm tăng trưởng thể chất, suy dinh dưỡng, ảnh hưởng đến trí thông minh của trẻ. Một số loại giun có thể gây ngứa ngáy khó chịu, ảnh hưởng đến sinh hoạt và học tập. Trong vài tình huống nguy hiểm hơn, giun có thể gây ra những biến chứng như giun chui ống mật, giun chui ống tụy, tắc ruột, viêm nhiễm tiết niệu – sinh dục. Vì vậy, việc tẩy giun định kỳ cho trẻ là việc làm hết sức cần thiết để bảo vệ sức khỏe cho trẻ.
Thuốc tẩy giun là một loại thuốc dễ sử dụng và tương đối an toàn. Trẻ cần bắt đầu tẩy giun định kỳ mỗi 6 tháng một lần khi được 1 tuổi trở lên. Hiện nay trên thị trường có rất nhiều thuốc tẩy giun để các bạn lựa chọn sử dụng cho con em mình, trong đó một số thuốc được sản xuất với tiêu chí giúp trẻ dễ uống nên có vị ngọt và thơm, được sử dụng để tẩy giun định kỳ cho trẻ, tiêu diệt các loại giun thường gặp như giun đũa, giun kim, giun móc, giun tóc. Thuốc tẩy giun phổ biến phù hợp cho trẻ là:
- Mebendazole: Dùng loại dạng 500 mg. Viên nén vị ngọt trái cây hoặc dung dịch uống có hương socola giúp trẻ dễ uống càng tốt. Uống một lần duy nhất 500mg/ngày. Uống vào lúc nào trong ngày cũng được.
- Albendazole: Dùng loại dạng viên nén 400 mg. Uống một lần duy nhất 400 mg/ngày. Uống vào lúc nào trong ngày cũng được.
Một số lưu ý khi dùng thuốc tẩy giun:
Như trên đã nói, tẩy giun định kỳ chỉ nên bắt đầu thực hiện khi trẻ được 1 tuổi trở lên. Khi uống thuốc tẩy giun, trẻ không cần nhịn đói hay ăn kiêng, cũng không phải dùng thuốc xổ. Một số phản ứng phụ ít gặp sau khi dùng thuốc là trẻ có thể đau bụng, buồn nôn và tiêu chảy thoáng qua, những triệu chứng này thường nhẹ và sẽ tự khỏi. Một số rất ít trường hợp trẻ có thể có phản ứng dị ứng với thuốc như phát ban, ngứa, nổi mề đay. Khi đó, nên đưa bé đi khám để được bác sĩ tư vấn cách xử lý phù hợp.