CÁC BỆNH THƯỜNG GẶP Ở TRẺ KHI THỜI TIẾT TRỞ LẠNH

CÁC BỆNH THƯỜNG GẶP Ở TRẺ KHI THỜI TIẾT TRỞ LẠNH

 

Trong mùa đông, thời tiết trở lạnh, không khí ẩm, mưa nhiều là những yếu tố ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe con người. Đặc biệt là trẻ em, do cơ thể còn non yếu, hệ miễn dịch chưa hoàn thiện khiến trẻ dễ bị mắc bệnh. Chính vì thế, trong những ngày đông giá lạnh trẻ cần được bảo vệ, chăm sóc để phòng tránh các bệnh nguy hiểm làm ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.
Một số bệnh trẻ dễ mắc vào mùa lạnh

Cảm cúm là bệnh về đường hô hấp mà trẻ nhỏ hay mắc phải và dễ lây lan nhất là vào mùa đông, thời tiết lạnh giá. Trẻ bị cảm cúm thường có một số triệu chứng như nghẹt mũi, sổ mũi, chảy nước mũi,sốt cao, đau họng, ho và chán ăn.
1. Viêm phế quản
Có thể xảy ra ở bất cứ lứa tuổi nào, thường sau khi thay đổi thời tiết nhưng ở trẻ nhỏ rất dễ hay mắc phải. Khi bị viêm phế quản, trẻ cảm thấy khó thở, hơi thở nặng nhọc, hay khò khè trong họng, ho nhiều, rát họng, có đờm và bị chảy nước mũi. Khi trẻ ho có đờm trắng vàng đục, cần phải đưa đi khám ngay để tránh trường hợp bé bị nhiễm trùng thứ cấp.
2. Tiêu chảy
Khi bị bệnh, trẻ sẽ có biểu hiện bị nôn trước, sau khoảng 1 – 2 ngày thì bắt đầu bị đi ngoài. Bệnh có thể kèm theo triệu chứng ho, sốt nên nhiều phụ huynh dễ bị nhầm lẫn với bệnh viêm đường hô hấp hoặc viêm mũi họng. Bệnh thường kéo dài khoảng từ 3 đến 7 ngày. Biến chứng nguy hiểm nhất là bé bị mất nước, mất muối quá nhiều, từ đó dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm khác nếu không được bù nước kịp thời.
3. Bệnh viêm mũi
Viêm mũi là bệnh trẻ thường gặp vào thời tiết giao mùa. Nếu không được điều trị dứt điểm, bệnh tái phát nhiều lần sẽ dẫn đến biến chứng như viêm phổi, viêm tai, viêm tai giữa cấp, viêm xoang cấp. Khi trẻ bị viêm mũi, người chăm trẻ cần dùng dung dịch nước muối 0,9%, ngày 3 – 4 lần nhỏ cho đến khi trẻ hết chảy nước mũi.
4. Viêm họng
Viêm họng là tình trạng viêm nhiễm ở niêm mạc họng, do môi trường không sạch, nhiều khói bụi, ẩm thấp và do thời tiết lạnh. Bệnh có những triệu chứng điển hình như: Sốt, khô và đau rát cổ họng, ho khan hoặc ho có đờm, chảy nước mũi, đau đầu. Bệnh có thể gây biến chứng viêm mũi xoang, viêm tai giữa, viêm VA, viêm phế quản, viêm phổi.
5. Viêm phổi
Không giống như các bệnh mùa đông thông thường khác, viêm phổi thường do nhiễm vi khuẩn. Bệnh có thể biểu hiện theo nhiều cách khác nhau. Đôi khi bệnh bắt đầu như bệnh cảm lạnh, sau đó có dấu hiệu nặng hơn. Nếu trẻ bị cảm lạnh trong vài ngày và đột nhiên bị sốt cao, ho nặng hơn, đây có thể là dấu hiệu của viêm phổi, cần cho trẻ đến ngay các cơ sở y tế để khám.
Để phòng chống các bệnh trên, các bậc cha mẹ nên cho trẻ tiêm vắc xin đầy đủ và đúng lịch với một số bệnh đã có vắc xin. Cùng với đó phải giữ ấm cho trẻ, nhất là giữ ấm bàn tay, bàn chân, ngực, đầu, cổ của trẻ. Nên cho trẻ uống đủ nước và uống nước ấm hàng ngày và không cho ăn đồ lạnh; bổ sung vào thực đơn hàng ngày của trẻ những thực phẩm giàu protein, vitamin C từ rau xanh và quả chín. Bên cạnh đó, cần khuyến khích trẻ rửa tay thường xuyên và vệ sinh thân thể cho trẻ hàng ngày và đảm bảo trẻ ngủ đủ giấc. Vệ sinh nhà cửa thường xuyên, giữ môi trường không khí trong nhà sạch sẽ, thoáng mát. Cho trẻ vận động ngoài trời hợp lý nhưng hạn chế đến nơi đông người và tránh cho trẻ tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu bị các bệnh truyền nhiễm và khói thuốc lá, than, bụi, không khí ô nhiễm. Cần lưu ý, khi cho trẻ dùng thuốc phải theo sự chỉ định của bác sỹ. Đặc biệt, khi trẻ có các dấu hiệu bệnh nặng cần đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay như:  tím tái, bỏ bú hoặc bú kém, không ăn uống được, ngủ li bì – khó đánh thức, co giật, thở có tiếng rít… cần đưa ngay trẻ đến ngay cơ sở y tế để khám và xử lý kịp thời.