Chuẩn bị tâm lý cho trẻ đến trường lần đầu

1. Ở giai đoạn đầu đến trường, sự thay đổi giữa môi trường gia đình và học đường có thể khiến các bé bị sốc tâm lý không?

Rất có thể! Về mặt cảm xúc, các bé tuổi mẫu giáo còn phụ thuộc vào người thân nhiều. Đối diện với khung cảnh xa lạ, nếp sinh họat mới, người chăm sóc mới cùng với việc xa cha mẹ thường để lại cho bé những dấu ấn không dễ chịu chút nào. Còn ở tuổi đi học lớp một, các em phải mặc đồng phục, phải tập trung chú ý trên giờ học lâu hơn, về nhà phải làm bài tập, bị áp lực điểm số… Rồi lớp học, sân chơi ở trường không phải khi nào cũng thoáng mát, nhà vệ sinh xa lớp học, nhiều trẻ nhịn tiêu tiểu sẽ gây cho các em những khó chịu nhất định.. Đó là chưa kể nhiều khi ở nhà, cha mẹ kỳ vọng cao ở con cái, mà không tính đến tâm trạng cũng như sức khỏe của con mình. Đó là những lý do làm bé có thể bị “sốc tâm lý” ở giai đoạn đầu đi học.

2. Những nguy cơ hay hiện tượng nào thường xảy ra với các bé trong trường hợp này nhất?

– Với trẻ mầm non, bé hay khóc, nôn ói, biếng ăn, ngủ không ngon giấc và sụt cân. Chứng sợ xa mẹ cũng khiến bé có những biểu hiện rối loạn giấc ngủ như ngủ mớ, nói sảng hay rối loạn tiểu tiện như đái dầm hay nín tiểu…

3. Ba mẹ nên làm gì để giúp bé vượt qua được khủng hoảng tâm lý và thích nghi với môi trường mới?

– Đối với trẻ mầm non, sự xa cha mẹ là khiến bé lo lắng nhất. Vậy, hãy cùng con làm quen với trường học, bạn bè, gây cho bé sự thích thú về môi trường mới như cùng con đến tham quan trường, kể cho con nghe những điều hấp dẫn như: có bạn cùng chơi trò bác sĩ, có cô giáo dạy con múa hát… Một mẹo nhỏ nữa là cùng con đếm ngược thời gian để tạo hứng thú với ngày đến trường. Ở 1, 2 tuần lễ đầu, hãy cùng vào lớp với con khoảng 30 phút. Nếu trẻ quá nhút nhát, nên gửi trẻ nửa buổi trong thời gian đầu để trẻ quen dần với việc vắng người thân.